Hotline

0963 801 047
Apex Global
ACADEMY FOR PROFESSIONAL EXCELLENCE

Dấu hiệu nhận biết sự khác biệt của công việc Business Analysis với Requirement Engineering

2015-12-24 

Trong nhiều năm làm việc, giảng dạy trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và ngành công nghệ phần mềm nói riêng, tôi nhận thấy hầu hết mọi người sử dụng thuật từ Business Analysis và Requirement Engineering một lẫn lộn, thay thế cho nhau. Có thể trước đây, chúng ta chưa có nhiều cơ hội và điều kiện để làm việc liên quan đến Business Analysis và Requirement Engineering nhiều, tuy nhiên những năm gần đây nhu cầu công việc liên quan đến Business Analysis và Requirement Engineering đang được các doanh nghiệp chú trọng, và đã đến lúc chúng ta cần phân biệt rõ ràng hơn về những thuật từ này nếu muốn triển khai dự án Công nghệ Thông tin thực sự thành công. Nào, chúng ta thử làm rõ những khác biệt:

Business Analysis vs Requirement Engineering

Requirement Engineering (RE)

Requirement Engineering là một quy trình kỹ nghệ phần mềm và hệ thống, bao gồm các hoạt động liên quan đến khơi gợi, thu thập, phân tích, tài liệu hóa, xác minh và quản lý các yêu cầu cho một giải pháp phần mềm và hệ thống đã được lựa chọn trước.

Requirement Engineering chú trọng vào việc phát triển bộ đặc tả yêu cầu cho sản phẩm phần mềm và hệ thống, chưa chú trọng vào việc cải tiến quy trình nghiệp vụ nhằm mang lại giá trị doanh nghiệp trong môi trường cần cả ba yếu tố về con người, quy trình và công nghệ.

Những đặc điểm cơ bản của Requirement Engineering bao gồm:

  • Các giải pháp mang khuynh hướng kỹ thuật và tập trung vào việc cung cấp các tính năng sản phẩm thay vì chú trọng vào lợi ích của doanh nghiệp
  • Thường giải quyết các hệ thống lớn, phức tạp, trong đó phần mềm chỉ là một phần, (ví dụ, máy bay, tàu hải quân, nhà máy thủy điện, vv).
  • Các yêu cầu thường liên quan nhiều đến sản phẩm, không liên quan nhiều đến quy trình
  • Requirement Engineering hướng nhiều đến các yêu cầu chức năng và phi chức năng trong khi bỏ qua các yêu cầu chuyển đổi trong doanh nghiệp.

Business Analysis (BA)

Business Analysis được cho là rộng hơn so với Requirement Engineering.

Business Analysis chú trọng vào việc cung cấp các giải pháp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, trong đó phần mềm là một phần của cả giải pháp bao gồm các yếu tố con người, quy trình và công nghệ.

Những đặc điểm cơ bản của Business Analysis bao gồm:

  • Business Analysis liên quan đến việc hiểu và phân tích các vấn đề doanh nghiệp, từ đó phát sinh các nhu cầu và yêu cầu nghiệp vụ và đề xuất các giải pháp cho các nhu cầu đó.
  • Các giải pháp mang khuynh hướng nghiệp vụ kinh doanh và phù hợp với nhu cầu nghiệp vụ của doanh nghiệp. Các giải pháp có thể là giải pháp Công nghệ thông tin hoặc giải pháp “phi” Công nghệ thông tin.
  • Business Analysis thường được dùng trong các dự án doanh nghiệp, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến cả con người, quy trình và công nghệ.
  • Các giải pháp tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để giúp người dùng thực hiện các quy trình nghiệp vụ của họ hiệu quả hơn.
  • Thay đổi tổ chức và thay đổi quy trình nghiệp vụ là yếu tố quan trọng cho sự thành công
  • Business Analysis tạo điều kiện thay đổi quy trình nghiệp vụ và mang lại giá trị doanh nghiệp.

Do đó, trọng tâm của công việc Business Analysis là giải quyết vấn đề và mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp, trong khi đó công việc tập trung của Requirement Engineering là xây dựng sản phẩm với danh mục các tính năng yêu cầu.

Requirement Engineering có thể được xem là một phần trong toàn bộ các công việc của Business Analysis.

Tùy Phong – APEX Global Corporation